Bảo hiểm ô tô Vũng Tàu – Thị trường công nghệ bảo hiểm (insurtech) đang bùng nổ với nhiều công ty khởi nghiệp được thành lập trên thế giới, bao gồm cả Việt Nam.
Ðầu tháng 9 vừa qua, Tập đoàn bảo hiểm lớn nhất Mỹ, Prudential Financial (khác với Tập đoàn bảo hiểm Prudential của Anh) ra thông báo sẽ mua công ty khởi nghiệp (startup) bảo hiểm trực tuyến Assurance IQ với giá 2,35 tỷ USD nhằm mở rộng sự tiếp cận đối với những khách hàng thành thạo công nghệ thích giao dịch thông qua Internet.
Assurance IQ là công ty insurtech mới được thành lập vào năm 2017 và đang sở hữu hàng chục triệu khách hàng.
Thông qua thương vụ này, Prudential Financial kỳ vọng sẽ tiết kiệm chi phí 25 – 50 triệu USD vào năm 2020 và con số này sẽ tăng lên 50-100 triệu USD vào năm 2022, đồng thời giúp lợi nhuận của Tập đoàn tăng thêm 30-35 cent trên mỗi cổ phiếu vào năm 2021.
Một công ty khởi nghiệp bảo hiểm ô tô khác là Root Insurance Co. vừa hoàn thành đợt huy động vốn mới, có thể định giá công ty này ở mức 3,65 tỷ USD. Ðây là công ty khởi nghiệp ở Columbus, bang Ohio – một trong những công ty bảo hiểm phát triển nhanh nhất.
Ðiều này cho thấy, thị trường insurtech đang ngày càng phát triển mạnh mẽ và có tiềm năng rất lớn.
Các chuyên gia nhận định rằng, theo sau Mỹ, châu Á đang trở thành điểm nóng về insurtech, bởi thị trường nơi đây hội tụ đủ các điều kiện cần thiết.
Ba trong số những nguyên nhân quan trọng nhất là quy mô đáng kể của tầng lớp trung lưu đang lên tại châu Á, mật độ sử dụng điện thoại thông minh ngày càng cao và sự suy giảm hiệu quả của các kênh phân phối bảo hiểm truyền thống.
Xu hướng công nghệ được thúc đẩy bởi mức độ tăng trưởng và châu Á lại là nơi tăng trưởng mạnh mẽ trong nhiều thập niên qua.
Tại Việt Nam, thị trường insurtech cũng đang bùng nổ với nhiều công ty khởi nghiệp được thành lập. Một số công ty điển hình như Inso, App bảo hiểm, Papaya, Miin, Opes…
Tuy nhiên, dù số lượng khá nhiều nhưng các công ty này chưa tạo ra sự khác biệt nào trên thị trường do một số yếu tố tác động.
Ðầu tiên là người tiêu dùng Việt Nam vẫn chưa có thói quen mua bảo hiểm một cách chủ động trên online.
Thứ hai là những công ty bảo hiểm này chưa xây dựng được những sản phẩm bảo hiểm thật sự khác biệt, phù hợp với đặc thù rất riêng của bảo hiểm trực tuyến.
Trong khi đó, các công ty khởi nghiệp bảo hiểm thành công tại nước ngoài thường đưa ra được thay đổi quy trình bán hàng mang tính đột phá, với sản phẩm mới hoàn toàn, đáp ứng được đúng nhu cầu của khách hàng.
Chẳng hạn, công ty khởi nghiệp rất thành công là Công ty Lemonade của Mỹ đã thiết lập lại toàn bộ các quy trình bán bảo hiểm nhà tư nhân.
Doanh nghiệp này đã số hóa toàn bộ quy trình bảo hiểm để thay thế các nhà môi giới và giấy tờ bằng các thuật toán, cung cấp các hợp đồng chỉ trong 90 giây đồng hồ và thanh toán các yêu cầu bồi thường chỉ trong 3 phút.
Lemonade cho biết, họ thu thập dữ liệu nhiều gấp 100 lần so với các nhà bảo hiểm truyền thống và điều này sẽ cho phép Công ty cải thiện chất lượng của các khâu khai thác và định phí bảo hiểm.
Theo tìm hiểu của phóng viên Báo Ðầu tư Chứng khoán, tại Việt Nam hiện nay mới chỉ có Inso là có sự cải tiến rõ rệt về sản phẩm cũng như quy trình bồi thường cho sản phẩm Delay flight.
Theo đó, toàn bộ quá trình mua sản phẩm, bồi thường đều được thực hiện tự động hóa và khách hàng nhận được tiền bồi thường trong vòng 15 phút kể từ khi gửi yêu cầu bồi thường.
Mặc dù vẫn chỉ mới “manh nha” hình thành, nhưng những công ty start up vẫn đang nhận được sự quan tâm rất lớn của các quỹ đầu tư – đặc biệt là những nhà đầu tư “thiên thần”.
Ðại diện một quỹ đầu tư cho biết, không chỉ các quỹ đầu tư tại Việt Nam, mà nhiều quỹ đầu tư nước ngoài cũng rất quan tâm đến thị trường insurtech Việt Nam.
Họ cho rằng, thị trường này giống như “con gà ngủ quên”, chỉ cần biết cách “đánh thức” sẽ trở thành những con gà đẻ trứng vàng.
Nhiều chuyên gia nhận định, con đường để tạo ra một công ty insurtech thật sự lớn mạnh còn khá dài.
Nhưng chắc chắn, với xu thế và sự phát triển không ngừng của công nghệ 4.0 hiện nay, thị trường insurtech sẽ sớm bùng nổ, đặc biệt với sự trưởng thành của các thế hệ Y, thế hệ Z – những người đã quá quen thuộc với công nghệ và các hoạt động mua hàng trực tuyến.